Có nên trồng cây sung trước nhà? Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sung

Sung là một loài cây rất thân thuộc đối với người Việt với đặc tính rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Trong phong thủy, sung được xếp vào bộ cây tứ linh: “Đa – Sung – Sanh – Si” và bộ ba tam đa: “Sung – Lộc vừng – Thiên tuế”, tượng trưng cho may mắn, sức khỏe và tài lộc. Vậy có nên trồng cây sung trước nhà hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây!

Có nên trồng cây sung trước nhà?

Theo các chuyên gia phong thủy, cây trồng trước nhà phải sở hữu các đặc điểm như: Cây phải xanh tốt, có sức sống dẻo dai, mãnh liệt, thế đứng khỏe khoắn… Tuy nhiên, cây trồng trước nhà không được có kích thước quá lớn, không nên có quá nhiều cành lá xum xuê rậm rạp để tránh che hết ánh sáng chiếu vào trong nhà, những cây có thế đứng ủ rũ cũng không nên chọn trồng trước cửa nhà.

có nên trồng cây sung trước nhà

Chiếu theo những lưu ý trên thì cây sung là một loại cây rất nên chọn để gia chủ trồng trước nhà. Tuy nhiên, trồng cây sung trước nhà, ở vị trí nào cũng cần lưu ý các điểm sau:

  • Không trồng cây ở vị trí giữa cổng và lối đi để tránh ngăn cảnh dòng khí đi vào nhà, cản trở vận may và sự nghiệp của gia chủ.
  • Nên trồng bên trái hoặc bên phải trước nhà nhưng cũng cần xem xét đến bố cục ngôi nhà và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cao.

Ý nghĩa phong thủy của cây sung

Các cụ nhà ta vốn có câu tục ngữ cửa miệng “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” ý chỉ con người nếu có tin tưởng thờ phụng thì có linh thánh, biết kiêng cữ thì bớt bệnh nạn. Mặt khác, trong quan niệm của người xưa, phong thủy vốn là một phạm trù có quan hệ mật thiết đến vận mệnh, tài lộc và các mối quan hệ của gia chủ. Vì vậy, dù là trồng cây gì, nuôi con gì trong nhà cũng cần hết sức cân nhắc và lưu ý.

Khoảng không gian phía trước nhà được gọi là “minh đường”, không những là mặt tiền thể hiện bộ mặt hay tính cách gia chủ, mà nó còn có ý nghĩa là nơi lưu thông sinh khí cho toàn bộ ngôi nhà. Vì thế, trồng cây gì trước cửa nhà để không cản trở vượng khí đi vào cửa chính, vừa tốt cho gia chủ lại có thể làm đẹp cho không gian chính là điều nhiều người quan tâm.

Xét về giá trị phong thủy, cây sung là loại cây được xếp vào bộ “tam đa”, gồm bộ 3 cây sung, lộc vừng và thiên tuế. “Tam đa” tức là những biểu tượng và giá trị tốt đẹp mà con người luôn hướng đến trong cuộc sống: May mắn – Sức khỏe – Tài lộc. Như vậy, cây sung là biểu tượng cho sự sung túc, tròn đầy đúng như tên gọi của nó.

Xét về giá trị thẩm mỹ, sung là loại cây không chỉ giới cây cảnh nói riêng mà rất nhiều người chơi không chuyên yêu thích. Bởi lẽ, bản thân cây sung luôn xanh tốt quanh năm, cây rất dễ trồng, dễ chăm mà lại có thể tạo dáng hay tạo thế theo ý muốn rất dễ dàng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sung

Bứng sung trước hết cần quan sát toàn bộ lá cây, nếu là đang còn non và nhiều lộc thì không nên bứng vì đây là giai đoạn cây đang dồn hết chất dinh dưỡng để phát triển lá, khi bứng vào giai đoạn này cây rất dễ chết. Theo đó, ta nên chờ lá già và cứng cáp hết rồi mới tiến hành bứng cây.

trồng cây sung cảnh

Trước khi bứng nên nén chặt phần đất ở gốc để tránh làm vỡ bầu đất ở gốc. Để an toàn nhất thì trước khi bứng ta nên xây bầu cho cây bằng cách đào bầu quanh gốc trước vài ngày.

Cần cắt hết lá trên cây để tránh tình trạng cây bị mất nước do thoát hơi qua lá. Nhưng lưu ý: Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm cho cây bị mất mủ, không nên cắt những cành to.

Nên tưới ướt ở phần gốc. Hãy dùng dao, kéo sắc để cắt phần rễ sau khi bứng xong để tránh hiện tượng dập rễ. Rễ sau khi cắt thì nên để ở chỗ mát để mủ khô lại thì mới đem cây đi trồng.

Đất trồng cây phải tơi xốp, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt. Cây sau khi được trồng lại thì không bón phân ngay mà tầm vài ba tháng sau khi thấy cây thật sự hồi phục, bộ rễ đã khỏe thì mới bón. Chú ý tưới nước cho cây 1 tuần 2-3 lần để đảm bảo độ ẩm cần thiết.

Nhân giống cây sung bằng cách nào?

Ta có thể nhân giống sung bằng cách chiết cành, giâm cành hoặc bằng hạt. Thường thì cây sung trồng với mục đích làm cây kiểng thì được trồng bằng hạt bởi cây sẽ có sức sống khỏe hơn và có bộ rễ đẹp.

  • Để nhân giống cây sung bằng hạt thì ta chọn những quả sung đã chín, thịt quả mềm để lấy hạt. Sau đó ta chà sát lớp vỏ hạt sạch nhớt rồi đem đi gieo ngay. Lưu ý: Trước khi gieo có thể ủ hạt nơi ẩm để hạt dễ nảy mầm hơn.
  • Đất gieo hạt nên chọn loại đất hạt nhỏ, mịn và đã được làm sạch cỏ. Hạt sau khi gieo nên ủ rơm hoặc xơ dừa trên bề mặt.
  • Sau khi lên cây con, để giữ ẩm ta chỉ cần tưới nhẹ hàng ngày sau đó tưới ít dần. Cây con đạt chiều cao khoảng 15-20cm thì có thể bứng đi trồng

Kỹ thuật trồng cây sung cảnh

  • Chọn đất trồng sung: Đất trồng sung phải là loại đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng. Sung không nên trồng ở đất nhiều cát, sỏi hay đất có khả năng giữ nước kém. Tốt nhất nên trồng sung ở những nơi có nước, trên hòn non bộ.
  • Chọn cây: Nên chọn các cây con đã đạt chiều cao từ 15-20cm để trồng. Trước khi bứng cây con thì xem nếu có lá non thì cắt bỏ lá này để nuôi cây. Tiến hành lấp đất đến cổ rễ cây.
  • Tưới nước giữ ẩm cho cây khoảng 1-2 lần/tuần, ngày tưới 2 lần là được.
  • Để cây có nhiều cành, lá nhỏ và cành không vươn quá dài thì cần chú ý cắt tỉa cành. Khi muốn khống chế sinh trưởng của cây thì chỉ cần điều tiết lượng nước tưới và số lần tưới nước.
  • Muốn thân cây sung mau lớn thì ngoài cắt tỉa cành lá để chất dinh dưỡng của cây đem đi nuôi thân thì vào tháng 9-10 dương lịch hàng năm ta tiến hàng băm bỏ gốc và thân cây.
  • Về bón phân: Một năm tưới thúc cho cây 1-2 lần vào đầu hoặc cuối mùa mưa

Cách tạo dáng cho sung cảnh

Sau khi trồng một thời gian mà đã thấy cây sinh trưởng và phát triển ổn định thì mới tiến hành tạo dáng bonsai cho cây.

  • Cắt bỏ những cành, nhánh có dáng xấu.
  • Cắt tỉa bớt lá và những cành quá sát vào nhau để quá trình tạo dáng dễ dàng hơn.
  • Ưu tiên uốn phần thân cây trước để tạo dáng thế cho cây.
  • Dựa vào dáng của thân cây sau đó mới uốn tỉa các cành chính cho phù hợp với tổng thể cây.
  • Thứ tự uốn: Uốn cành quanh thân cây, uốn từ gốc lên đến ngọn cây. Uốn cành lớn trước rồi mới uốn cành nhỏ.
  • Dùng dây kẽm để uốn cành theo những hình dáng mong muốn. Chú ý: Cắm một đầu dây kẽm vào mâm để tạo điểm cố định.

Mẹo để cây sung cảnh ra sai quả vào dịp tết

  • Từ tháng 6,7,8 thì tiến hành điều chỉnh sinh trưởng của cây bằng cách ngừng tưới nước cho cây từ 15-20 ngày, đồng thời cắt bỏ hết lá trên cây.
  • Cây sau đó ra chồi và lá mới thì tiến hành chăm sóc cẩn thận để cây ra nụ hoa và quả.
  • Để kích cây ra quả nhanh thì ta dùng dao rạch vài đường ở gốc cây cho nhựa chảy ra.

Trên đây là toàn bộ những thông tin trả lời cho câu hỏi “có nên trồng cây sung trước nhà hay không” và cách trồng, chăm sóc cây sung cảnh. Hy vọng rằng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích cho mình!

4.9/5 - (10 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *