Sư tử sống ở đâu? Ăn gì, tập tính, đặc điểm, tuổi thọ

Sư tử tiếng anh là Lion là một loài có kích thước lớn thứ hai trong họ nhà Mèo. Ở phương Tây, sư tử được mệnh danh là chúa tể của muôn loài, vua của muôn thú. Chính vì thế mà có hẳn 1 bộ phim nổi tiếng về loài động vật này với tên “Lion King – Vua sư tử”, hay thậm chí chúng còn được lấy làm biểu tượng của đất nước Singapore xinh đẹp. Theo sách đỏ IUCN thì sư tử đang nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

Sư tử sống ở đâu?

Sư tử thường sống ở các trảng cỏ (savan) và thảo nguyên chứ không sinh sống trong các khu rừng rậm rạp.

Tất cả các loài sư tử hoang dã hiện nay chỉ sống tại 2 khu vực là châu Phi và 1 quần thể còn sót lại ở vườn quốc gia Rừng Gir của Ấn Độ thuộc châu Á hay còn được gọi là sư tử châu Á.

Cách ngày nay khoảng 10.000 năm, sư tử từng phân bố rộng khắp toàn thế giới, từ châu Phi, châu Á, châu Âu cho đến cả châu Mỹ, chỉ ngoại trừ có châu Đại Dương. Khi đó, chúng là loài phân bố rộng chỉ sau con người chúng ta.

sư tử sống ở đâu

Tuy nhiên sau đó, rất nhiều loài đã bị tuyệt chủng, và các loài còn sót lại hiện nay cũng đang rất nguy cấp và dễ bị tổn thương trong sách đỏ IUCN kể từ năm 1996.

Từ đầu những năm 1990, các quần thể sư tử châu Phi đã bị sụt giảm nghiêm trọng, ước tính lên đến 43%. Mặc dù chưa có những thống kê chính xác, nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi của môi trường, cũng như những xung đột đối với con người.

Các loài sư tử trên thế giới

Sự khác biệt chủ yếu giữa các loài sư tử là kích thước, biểu hiện bên ngoài của bộ bờm và khu vực sinh sống. Tuy nhiên, một số phân loài thể hiện những thói quen và sự phù hợp để sinh tồn. Giả sử như loài sư tử Kalahari có khả năng sinh sống trong điều kiện thiếu nước. Dưới đây là danh sách các loài sư tử còn tồn tại hiện nay.

  • Sư tử Đông Bắc Congo (Panthera leo azandica) hay còn được gọi là sư tử Trung Phi. Quần thể này sống ở Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cameroon và Chad.
  • Sư tử Nam Phi (Panthera leo krugeri) chúng phân bố ở Cộng hòa Nam Phi, Namibia, Angola, miền bắc Botswana và một số vùng phía tây nam của Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là loài sư tử nặng nhất thế giới.
  • Sư tử Đông Phi (Panthera leo nubica) sinh sống ở các quốc gia Đông Phi như Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania và Uganda. Chúng đã tuyệt chủng ở Ai Cập, Djibouti, Ai Cập và Eritrea.
  • Sư tử Tây Phi (Panthera leo senegalensis) hay còn được gọi là sư tử Senegal. Chúng là loài đang cực kì nguy cấp, chỉ còn sót lại ở một số quốc gia Tây Phi như Senegal, Burkina Faso, Benin, Niger và Nigeria.
  • Sư tử Katanga (Panthera leo bleyenberghi) hay còn gọi là sư tử Tây Nam Phi. Là một phân loài sư tử sinh sống ở Namibia, Angola, Zaire, tây Zambia, tây Zimbabwe và bắc Botswana thuộc Tây Nam Phi.
  • Sư tử Congo (Panthera leo hollisteri)
  • Sư tử Barbary (Panthera leo leo) Chúng từng sinh sống từ Maroc tới Ai Cập và được coi là phân loài sư tử lớn nhất. Con sư tử Barbary hoang dã cuối cùng bị giết chết ở Maroc năm 1922. Rất may là vẫn còn một số cá thể vẫn còn sống sót trong điều kiện nuôi nhốt.
  • Sư tử Massai (Panthera leo massaicus)
  • Sư tử Hảo Vọng (Panthera leo melanochaitus) có nguồn gốc ở mũi Hảo Vọng thuộc Nam Phi với số lượng khoảng 17.000 – 19.000 con đang sinh sống tại Đông Phi và Nam Phi.
  • Sư tử Abyssinia (Panthera leo roosevelti).
  • Sư tử Somalia (Panthera leo somaliensis).
  • Sư tử Kalahari (Panthera leo verneyi).
  • Sư tử châu Á (Panthera leo persica). Snh sống ở khu bảo tồn sinh vật hoang dã Gir thuộc bang Gurajat, Ấn Độ với số lượng khoảng 500 con.

Tuổi thọ của sư tử

Tuổi thọ của sư tử khi sống trong tự nhiên là từ 10–14 năm, còn trong điều kiện nuôi nhốt chúng có thể sống hơn 20 năm. Trong tự nhiên, sư tử đực hiếm khi sống được hơn 10 năm, bởi những trận chiến giữa những con sử tử đực với nhau.

Một số đặc điểm của sư tử

Sư tử có cơ bắp chắc nịch, ngực sâu, phần đầu ngắn, cổ và tai tròn.

Lông của sư tử thường có màu sáng, xám bạc, nâu đỏ và nâu đậm. Sư tử đực được sinh ra với những đốm đen ở trên người, các đốm này sẽ dần mất đi khi chúng trưởng thành.

đàn sư tử

Sư tử là thành viên duy nhất trong họ nhà mèo có hình thái lưỡng cực tình dục hay dị hình giới tính một cách rõ ràng. Con đực to và mạnh hơn con cái. Đặc điểm nổi bật nhất chính là cái bờm có màu nâu hoặc vàng, bao phủ phần lớn đầu, cổ, vai và ngực của con đực. Sư tử cái không có bờm. Ngoài ra thì phần cuối đuôi của con đực có 1 túm lông, và đây cũng là loài mèo duy nhất có lông đuôi.

Sư tử là loài mèo lớn thứ hai sau hổ, chúng có chiều dài ngắn hơn hổ nhưng lại có chiều cao nhỉnh hơn.

Sư tử cái có chiều dài 140 đến 175 cm. Khối lượng từ 110 đến 182 kg (ở Nam Phi là khoảng 124 đến 140 kg, ở Đông Phi khoảng 120 kg, ở châu Á khoảng 110 đến 120 kg).

Sư tử đực có chiều dài 170 đến 298 cm. Khối lượng từ 150 đến 250 kg tùy từng loại, VD như ở Nam Phi từ 187 đến 193 kg, ở châu Á từ 160 đến 190 kg.

Tập tính của sư tử

Sư tử dành đến 20 giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi. Chúng thường săn mồi vào lúc bình minh, và sau khi hoàng hôn, chúng dành thời gian cho gia đình với các hoạt động như giao tiếp với nhau,tắm rửa cũng như vệ sinh…

Trung bình mỗi ngày chúng sẽ dành 50 để ăn, và khoảng 2 tiếng đồng hồ chỉ để đi bộ.

Ban đêm, khả năng nhìn trong bóng tối của chúng cũng rất đỉnh, chính vì thế mà ban đêm chúng cũng rất linh hoạt.

Tập tính xã hội (bày đàn)

Sư tử có tính bày đàn cao nhất trong họ nhà mèo. Một đàn sư tử có khoảng 15 con, đàn lớn nhất được ghi nhận tính đến nay có 30 cá thể.

Thông thường mỗi đàn sẽ có khoảng 4 con đực, còn lại là các con cái và đàn con. Riêng đối với loài sư tử Tsavo, mỗi đàn chỉ có duy nhất 1 con sư tử đực. Sư tử con sẽ có thể tách khỏi đàn sau khoảng 2 đến 3 năm khi chúng đã trưởng thành.

Các cá thể cái trong đàn đều có mối quan hệ với nhau, chúng có thể là chị, em, con, cháu của nhau. Chính vì thế mối quan hệ giữa các con cái có phần khăng khít và ổn định. Hơn nữa, chúng sẽ không khoan nhượng với các con cái ở những đàn khác. Các con cái không cùng họ hàng sẽ không được gia nhập vào đàn, số lượng con cái trong đàn chỉ bị ảnh hưởng bởi sự sinh ra và chết đi, hoặc một con nào đó tách đàn để sống một cuộc sống du mục.

Mối quan hệ giữa các con đực trong đàn là mối quan hệ liên minh.

tập tính của sư tử

Một số sư tử sống đơn độc hoặc sống theo cặp, chúng được gọi là những “kẻ du mục”. Những con sư tử đơn độc có thể thay đổi lối sống khi chúng tìm được một đàn chấp nhận nó. Một con sư tử trong đàn cũng có thể tách ra sống đơn độc bất cứ lúc nào mà chúng muốn. Thông thường thì những con sư tử sống theo bầy đàn sẽ có mối quan hệ thù địch với những con sống đơn độc.

Những con sư tử đực dành nhiều năm để sống đơn độc trước khi gia nhập một đàn sau đó. Chúng sẽ sống phân tán cách xa khỏi đàn tự nhiên của chúng hơn 25 km để tìm kiếm lãnh thổ của riêng mình.

Khu vực được chiếm giữ bởi một đàn sư tử được gọi là “vương quốc”. Còn khu vực được chiếm đống bởi những con sư tử du mục chỉ được gọi là lãnh thổ.

Mỗi con sư tử sẽ có một nhiệm vụ riêng trong một đàn. Những con đực trong đàn thường có nhiệm vụ tuần tra để bảo vệ lãnh thổ. Việc săn mồi thường chỉ dành cho những con cái, ngoài ra sẽ có một số con cái có nhiệm vụ chăm sóc con con.

Cả con đực và con cái trong đàn đều có trách nhiệm bảo vệ đàn trước những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, sư tử đực đóng vai trò quan trọng hơn, bởi chúng có một cơ thể lực lưỡng với sức chiến đấu mạnh mẽ. Trong những cuộc giao chiến như thế, một số con sẽ tiên phong lên trước để chống lại những kẻ xâm nhập, những con còn lại lùi ra phía sau để quan sát.

Sư tử đực châu Á thường sống đơn độc hoặc liên minh với tối đa ba con đực khác, trong một liên minh như thế sẽ có một con đầu đàn – chúng sẽ được lựa chọn và có tần suất giao phối với những con cái nhiều hơn. Những con cái sống với nhau thành từng đàn khoảng 12 con, có mối quan hệ chặt chẽ. Chúng sẽ chia sẻ thức ăn với nhau, và không chia thức ăn cho những con đực. Sư tử cái và đực chỉ hợp tác với nhau khi giao phối.

Tập tính săn mồi của sư tử

Sư tử là một loài thú săn mồi siêu hạng. Chúng săn mồi theo bầy đàn bởi thế có thể săn được những con mồi lớn. Bộ lông gần giống với màu cát khiến chúng ẩn mình một cách tuyệt vời với màu của những đồng cỏ xavan.

Con mồi chủ yếu của sư tử là những động vật có vú – đặc biệt là động vật móng guốc có kích thước từ trung bình đến lớn. Trong đó bao gồm:

  • Ngựa vằn
  • Linh dương đầu bò
  • Trâu rừng châu Phi
  • Linh dương Gemsbok
  • Linh dương Thomson
  • Hươu cao cổ
  • Hà mã (thường là hà mã con)

Khi sống đơn lẻ, chúng sẽ săn những con mồi nhỏ hơn như sơn dương, linh dương Gazen, thỏ rừng, lợn nanh sừng châu Phi.

Hải cẩu cũng là một trong những món ăn ưa thích của những con sư tử sống ở gần biển.

Ngoài ra, chúng cũng thường tấn công các loại gia súc, gia cầm của người dân.

sư tử săn mồi

Ở mỗi vùng khác nhau, thực đơn ưa thích của các đàn sư tử cũng khác nhau. Ví dụ như trong Công viên Quốc gia Serengeti, linh dương đầu bò, linh dương Thomson và ngựa vằn là những con mồi ưa thích của sư tử. Còn tại Vườn quốc gia Kruger, ngựa vằn, trâu rừng và hươu cao cổ là những con mồi được săn nhiều nhất.

Những cuộc đi săn của sư tử có thể diễn ra khá nhanh, bởi khả năng săn mồi siêu hạng đã nói ở trên. Trong cuộc đi săn, sư tử sẽ thay nhau cắn và kìm kẹp con mồi, cùng lúc đó, sẽ có con giữ nhiệm vụ cắn cổ và khóa mõm của con mồi, khiến chúng bị ngạt thở.

Sư tử thường thưởng thức bữa ăn ngay tại địa điểm săn mồi, nhưng đôi khi chúng kéo con mồi đến một nơi kín đáo. Những con sư tử đực sẽ được ăn mồi đầu tiên, tiếp đến là con cái và cuối cùng mới đến các con con.

Một con sư tử cái trưởng thành cần trung bình khoảng 5 kg thịt mỗi ngày, đối với những con đực là khoảng 7 kg. Sư tử có thể ăn đến 30 kg thịt một lần. Nếu như không thể ăn hết con mồi trong 1 lúc, chúng sẽ nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ trước khi thưởng thức nốt bữa ăn.

Những con sư tử không muốn săn mồi sẽ đi kiếm những động vật đã chết tự nhiên, do bệnh tật hoặc xác con mồi của những kẻ săn mồi khác như linh cẩu. Xác thối cung cấp một lượng lớn thức ăn trong chế độ ăn của sư tử. Chúng thường cướp thức ăn của những kẻ săn mồi nhỏ hơn hay ít quân số hơn. Đôi khi, chúng cũng bị đuổi khỏi bữa ăn bởi những kẻ ăn thịt khác khi chúng áp đảo về số lượng.

Sư tử con bắt đầu được mẹ của chúng huấn luyện săn mồi từ khoảng 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, đến khi khoảng 2 tuổi, chúng mới có thể thành thạo việc đi săn.

Dù có một thân hình đồ sộ nhưng sư tử chạy rất nhanh, đặc biệt là sư tử cái. Sư tử có thể đạt đến tốc độ chạy lên đến hơn 80 km/h mặc dù chúng chỉ có thể duy trì tốc độ này trong một thời gian ngắn. Sư tử cũng có khả năng bơi lội vào trèo cây tuy nhiên khả năng trèo cây của sư tử khá vụng về.

4.8/5 - (107 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *